top of page

3 cấp độ trong giao tiếp bán hàng mà mình học được trong hơn 10 năm qua

Hôm nay mình muốn chia sẻ về 3 cấp độ trong giao tiếp bán hàng mà mình học được trong quá trình đi làm thêm, mua hàng và bán sản phẩm của chính mình trong hơn suốt 10 năm qua, mà mình nghĩ một Maker như bạn sẽ cần.


Gần Tết năm lớp 11, mình nổi hứng xin đi bán quần áo phụ một cô người quen ngoài chợ, ngạc nhiên là thay vì bảo mình ngồi làm đống bài tập được giao dành cho dịp Tết thì ba mẹ mình đồng ý ngay tức khắc.


3 cấp độ trong giao tiếp bán hàng
3 cấp độ trong giao tiếp bán hàng

Đó là lần đầu tiên mình đi bán hàng cho người lớn thật sự, trước đó thì cũng “ép” bạn mua thiệp hay bán sổ lưu bút gì thôi. Ngày ấy, mới tập bán hàng thì mình bắt đầu bước vào cấp độ một - khen khách hàng. Kiểu cô mặc cái này đẹp nè ạ, ô cái kia cũng hợp đấy, hay cô phối thêm với cái này, với một đứa tồ tẹt lại hay ngại thì đúng là một bước đi lạ lẫm. Đợt đấy, chỉ bán được tầm một tuần thì bị xe chèn chân nên nghỉ, nhưng cũng mua được cái áo khoác cặp với con bạn thân với giá hời và ít tiền công.

Cấp độ 2 tới là khi mình vào năm nhất đại học, có một môn về ứng xử với khách hàng, trời, mấy năm đại học, chắc ấn tượng mỗi quyển đấy nhất, vì thực tế vô cùng. Cấp độ 2 của bán hàng là biết nói không nên, nếu cấp độ 1 cái gì cũng khen nghe nó giả trân, thì cấp độ 2 đưa ra giải pháp tốt nhất cho khách hàng. Kiểu sẽ không khen tất cả, mà còn phân tích cái này hợp cái kia không hợp lắm theo quan điểm cá nhân, kinh nghiệm rồi để khách hàng tự chọn.

Nhưng cấp độ 3 trong giao tiếp bán hàng với mình đó là hiểu sản phẩm. Khách hàng ngày nay thông minh hơn rất nhiều, ở những điều trên hầu như ai cũng biết và áp dụng, nhưng tới cấp độ 3 thì vẫn còn nhiều nơi chưa đạt được.


3 cap do trong giao tiep ban hang
Khen khách hàng - biết nói không nên - hiểu sản phẩm

Mình lấy ví dụ, hai vợ chồng mình muốn mua một chiếc tivi, tụi mình luôn nghiên cứu trước và đã có một số lựa chọn trong đầu. Lúc ra cửa hàng điện máy, tụi mình tất nhiên là được chào đón bởi 2 cấp độ trên, nhưng đặc biệt ấn tượng với một bạn nhân viên giới thiệu về tivi tụi mình quan tâm.

Bạn ấy hiểu cặn kẽ sản phẩm, từ công nghệ đến hình ảnh, từ âm thanh đến độ phân giải, một sự khác biệt rất lớn khi đến những cửa hàng khác trong cùng một hệ thống. Các bạn nhân viên chỉ đọc bề nổi của sản phẩm mà một người mua hàng nào cũng sẽ tìm hiểu trước, thì bạn nhân viên đặc biệt kia để lại ấn tượng mạnh vì mức độ am hiểu dàn sản phẩm bạn phụ trách.


Đặc biệt với những sản phẩm có giá trị cao, cần cân nhắc nhiều, tụi mình cảm thấy an tâm với lựa chọn của mình vì những gì đã được giải thích mà trong quá trình tìm hiểu tụi mình chưa nhận ra, chồng mình đi tới tận 4, 5 lần để tìm đúng ca của bạn ấy để mua hàng vì muốn bạn được thưởng hoa hồng (nếu có), chỉ tiếc là tụi mình vẫn không gặp được bạn ấy.

Vì vậy, ngày nay, nếu là nhân viên, thì nhất định nên đọc kỹ về sản phẩm và dịch vụ mình bán, đào sâu nhất có thể, hạn chế trả lời nước đôi và thật thà trong tầm hiểu biết. Việc đọc những gì được dạy và tự tìm hiểu thêm thì tự nghiên cứu thêm sẽ là lợi thế cho bạn khi làm việc.

Còn nếu bạn là chủ một doanh nghiệp nhỏ, một cửa tiệm thì lợi thế về sản xuất sản phẩm chính là giúp bạn phát triển cấp độ 3 trong giao tiếp bán hàng. Bạn hiểu rõ bạn đang bán cái gì, nó có ưu điểm và hạn chế gì, khách hàng nào phù hợp khách hàng nào không, từ những cái nhỏ nhất như vì sao bạn không sử dụng tinh dầu thiên nhiên cho sản phẩm nến thơm mà là fragrance oil được điều chế trong phòng thí nghiệm. Hay vì sao bạn chọn hoa khô đã qua xử lý để làm khung tranh hoa khô thay vì chỉ tự ép khô mà không xử lý tránh ẩm mốc hay xử lý tạo màu…


Túm quần lại, khách hàng cực kỳ thông minh, đừng nghĩ họ không cần biết quá sâu về sản phẩm và khi bạn là người tự sản xuất, hãy tự hào vì bạn đang có lợi thế về cấp độ 3 trong giao tiếp bán hàng, và đó chính là một trong những điểm khác biệt để bạn bán sản phẩm của chính mình.


Comentarios

Obtuvo 0 de 5 estrellas.
Aún no hay calificaciones

Agrega una calificación
bottom of page