Có một sự thật là nhiều Maker, những doanh nghiệp siêu nhỏ không phân biệt được đối tượng khách hàng và đối tượng sử dụng. Chính vì điều này mà việc sản xuất sản phẩm hay lên chiến dịch quảng bá đều sai đối tượng cần hướng tới, vậy hôm nay cùng tìm hiểu với mình nhé.
1. Đối tượng khách hàng và đối tượng sử dụng sản phẩm khác nhau như thế nào?
Đối tượng khách hàng là người mà doanh nghiệp muốn tiếp cận, tương tác và tạo ra giá trị. Đây là những người có khả năng và khao khát mua sản phẩm hoặc sử dụng dịch vụ của bạn.
Trong khi đó, đối tượng sử dụng chính là người sử dụng sản phẩm của bạn. Nói cho dễ hiểu ví dụ trong ngành hàng mẹ và bé, đối tượng khách hàng chính là ba mẹ, ông bà… trong khi đối tượng sử dụng sản phẩm lại là đứa bé.
Vậy thì khi sản xuất ra sản phẩm bạn cần hiểu nhu cầu của đối tượng sử dụng và tâm lý của đối tượng khách hàng. Ở mỗi ngách, mỗi quốc gia, giới tính hay độ tuổi đều có sự khác nhau trong hành vi mua sắm, và bạn cần có sự kết hợp giữa 2 yếu tố trên.
2. Ví dụ thực tế
Ví dụ: Sản phẩm của bạn là nến thơm, bạn có thể có đối tượng khách hàng cũng là đối tượng sử dụng luôn, lúc đó bạn cần nâng cao trải nghiệm cá nhân của người mua. Tệp khách hàng này rất chú tâm vào mùi hương; ngoài ra chất lượng và mẫu mã là một trong những yếu tố để họ đánh giá và chọn mua sản phẩm. Vậy nên, giá cả và dịch vụ cũng khác với đối tượng khách hàng là doanh nghiệp và đối tượng sử dụng lại là nhân viên của họ.
Với doanh nghiệp, họ có thể cần sản phẩm có thể in được logo công ty, mùi hương có thể không quá khắt khe về tiêu chuẩn, nhưng phải sản xuất được số lượng lớn, giá cả thì có chiết khấu, có thể xuất hóa đơn đỏ… Nếu bạn không đủ năng lực trên, việc bị loại ra là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Một ví dụ thực tế nữa về màu sắc liên quan đến hành vi mua hàng của khách hàng và đối tượng sử dụng sản phẩm đó.
Hôm bữa mẹ mình có nhờ mình mua túi cho em bé, mình chọn được mấy mẫu khá xinh kiểu Hàn trên Shopee, nhưng mẹ mình lại thấy nó "quá già". Cùng một đối tượng sử dụng là em bé, 2 tệp khách hàng khác nhau là mình và mẹ mình đã cho thấy sự khác biệt trong hành vi mua sắm.
Các cha mẹ ngày nay đặc biệt là cuối Gen Y và đầu gen Z khá thích phong cách Hàn Quốc, màu sắc nhẹ nhàng như trắng - be - nâu, các mẫu quần áo của em bé cũng xinh xinh như là một phiên bản mini theo quần áo và phong cách của ba mẹ. Trong khi các bậc ông bà lại thích mua quần áo có hình dán hoạt hình, màu sắc tươi sáng đậm đà như đỏ - vàng - xanh lá cây…
Sự khác biệt về thế hệ tạo ra những suy nghĩ khác nhau khi mua hàng, bởi vậy những mặt hàng ở các sạp trong chợ vẫn có tệp khách hàng riêng và những cửa hiệu thời trang đắt đỏ vẫn là nơi có người lui tới.
Đọc thêm:
Sự khác biệt trong hành vi mua hàng của đối tương khách hàng là cha mẹ ở các đất nước khác nhau (*)
3. Kết lại
Vậy nên, các doanh nghiệp, đặc biệt là những người làm sản xuất như Maker phải luôn cần biết rõ người sẽ sử dụng sản phẩm của họ là ai và ai sẽ là người ra quyết định mua hàng để có thể sản xuất đúng và lên chiến dịch marketing phù hợp.
Nếu bạn muốn bán ở thị trường Ấn Độ, ban phải hiểu họ thích những màu sắc sặc sỡ, neon, chói chang, nổi bật, những sản phẩm bạn xem là “lòe loẹt” lại là món đồ được ưa chuộng mua sắm. Trong khi ở phương Tây, màu trầm lại được sử dụng nhiều, những tone màu như nâu, đỏ đô, be, xám, xanh cổ vịt… sẽ hấp dẫn họ hơn.
Ở thị trường châu Á như các nước Việt Nam, Malaysia hay Philippines, 1 bộ phận giới trẻ ảnh hưởng nhiều bởi K-Pop của Hàn Quốc, phong cách tối giản của Nhật Bản, những màu sắc nhẹ nhàng như trắng, be, hồng - xanh - vàng pastel lên ngôi và làm mê mẩn những bạn trẻ thích gam màu sắc nhìn sạch và xinh.
Bạn là một thợ may đồ em bé, bạn muốn bán ở thị trường châu Âu, bạn có thể chọn chất vải linen mộc mạc, gam màu như đã kể trên để thu hút người mua là cha mẹ, nhưng bạn vẫn phải biết cách may phù hợp với phong cách trẻ con là rộng rãi, dễ cử động, thoáng khí và phối màu sắc theo gam màu đó nhưng vẫn có được nét tươi sáng của trẻ nhỏ.
Nhưng nếu bạn may đồ cho thị trường Ấn Độ? Hãy nghĩ tới những gam màu đậm đà, sặc sỡ, gắn phụ kiện lấp lánh.
Vậy nên, sẽ xuất hiện nhiều khía cạnh cần chú ý và thay đổi trong sản xuất và tiếp thị sản phẩm, điều quan trọng là bạn phải biết mình đang sản xuất sản phẩm cho ai sử dụng và ai sẽ là người bỏ tiền ra mua nó?
(*) Ảnh: Pinterest
Hoàng Nhi
Tự học kinh doanh sản phẩm tự sản xuất, thủ công, handmade, DIY
Comments