top of page

Hành trình 10 năm theo đuổi đam mê và cú chạm mốc doanh thu hơn 60 triệu/ngày của một cake maker

Trịnh Mỹ Linh (cake maker) là chủ thương hiệu của Vanilla Cake Store (Vanilla) có 3 chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai chỉ trong 4 năm phát triển. Hành trình theo đuổi đam mê bắt đầu từ khi Linh học lớp 12, trải qua rất nhiều quyết tâm cuối cùng Linh bắt đầu hái được quả ngọt. Cùng mình khám phá câu chuyện của Linh và Vanilla Cake Store nhé.


Trịnh Mỹ Linh - chủ thương hiệu Vanilla Cake Store
Trịnh Mỹ Linh - chủ thương hiệu Vanilla Cake Store (*)
  • Xin chào Linh, (tụi mình nói rất nhiều chuyện bên lề rồi mới bắt đầu), Linh đã bắt đầu bén duyên với nghề bánh như thế nào?

Linh bắt đầu thích bánh từ những năm học trung học phổ thông, nhưng hồi ấy ba mẹ nào cũng muốn con cái đi làm ổn định, nhất là con gái, nên như bao bạn bè khác thì Linh vẫn đăng ký đi thi chuyên ngành Kế Toán. Sau khi ra trường thì Linh có đi làm Kế Toán tại một công ty trong khoảng 1 năm, công việc cũng khá thuận lợi, nhưng mình thì vẫn thích đam mê hồi nào đến giờ, nên trong lòng cũng nhiều lúc suy nghĩ về công việc lúc đó lắm.


Ngày ấy thì anh Quản lý có hỏi chuyện, Linh cũng có chia sẻ thật về câu chuyện thích học làm bánh của mình, vậy nên anh ấy cũng có giới thiệu cho Linh người cô dạy về làm bánh. Đến khoảng 2014, Linh quyết định nghỉ một thời gian, mua dụng cụ để về quê lên mạng tìm công thức và tập làm bánh.


Thất bại nhiều lắm, vì chỉ học phần ngọn nên bánh vào thùng rác cũng nhiều, may mắn là lúc đó mẹ Linh đã luôn bên cạnh và “dọn bãi chiến trường” cho Linh (cười). Cho đến khi mình quyết định là cần học căn bản và xuống thành phố.


  • Ngày ấy về quê, ba mẹ có nói gì về công việc hiện tại của Linh không?

Ba không biết Linh muốn học làm bánh, ba thì vẫn kiên quyết là Linh phải đi làm văn phòng lại thôi, còn mẹ thì khác, mẹ biết mong muốn của Linh nên cũng giấu ba (cười tiếp), mẹ không nói gì hay ép về việc quay lại đi làm cả, như Linh đã kể đó, mẹ luôn là người dọn dẹp lại mọi thứ cho Linh mỗi khi Linh bày ra thử nghiệm.


Nhưng cũng đến lúc không thể ở lại quê quá lâu được, nên Linh bắt đầu xuống thành phố và quyết định theo học người cô cũng là sư phụ đầu tiên nghề bánh. Vì không dám xin tiền ba mẹ, nên mình vừa học vừa đi làm thêm đủ nghề, cứ sáng đi học làm bánh, tối là làm thêm như thu ngân. Ba mẹ gọi thì không dám bắt máy vì sợ ba biết mà cũng bận làm nữa. Rồi cứ thế tiết kiệm dần.


Sau hơn nửa năm học ở cô, khám phá nhiều thứ hơn ở nghề bánh thì Linh bắt đầu gom đủ tiền và bắt đầu đi học bài bản ở Nhất Hương, vẫn cứ tiếp tục đổi thành sáng đi làm thêm tối đi học, cho đến khi học xong khóa Bếp Trưởng Bếp Bánh tại Hướng Nghiệp Á Âu. Sau dần thì ba mẹ cũng biết, cũng xót con lắm, nhưng vì thấy 2 năm qua vẫn chưa bao giờ nản hay từ bỏ nên ba dần không nói gì nữa, vì tin là con mình đã có thể tự nuôi sống được bản thân rồi.


  • Sau khi học xong Linh đã quyết định mở tiệm bánh luôn hay vẫn đi làm?

Thật ra, lúc học xong Linh đã nghĩ đến việc ra Phú Quốc làm việc, ở đó có nhiều resort và có nhiều cơ hội làm ở bếp bánh nên Linh cũng cân nhắc đăng ký trong lúc trường gom đủ bạn ra đó. Nhưng thật lòng thì ba mẹ không muốn đi xa đến như vậy, mà cũng chưa đủ duyên nên đợt đó Linh quyết định không đi nữa. Mình vẫn đi làm để cứng thêm tay nghề thôi, cho đến khoảng 2018 đến 2019 thì Linh cùng một người bạn “set up” một tiệm bánh nhỏ cho một chị, tụi Linh lên menu, giá cả, cách vận hành tiệm… cho chị ấy.


Và đó là cú hích để Linh quyết định có tiệm bánh cho riêng mình, vì có kinh nghiệm trước đó nên Linh quyết định nhanh lắm. Vanilla ra đời như thế vào 7/2019.



Những chiếc bánh sinh đẹp được các em bé yêu thích từ Vanilla
Những chiếc bánh sinh đẹp được các em bé yêu thích từ Vanilla (*)
  • Khi mới mở tiệm bánh một mình Linh đã bắt đầu như thế nào?

Linh về vay ba mẹ một số tiền nhỏ để mua sắm mọi thứ cho tiệm bánh, trừ lò nướng và cối đánh trứng là hai thứ cực kỳ quan trọng thì Linh mua mới, còn lại tủ lạnh, tủ đông, bàn ghế, dụng cụ… mình đều cố gắng tìm mua thanh lý cho tiết kiệm. Linh nhờ anh trai thiết kế logo, chị gái lớn ở cùng và giúp đỡ một thời gian trước khi chị sang Nhật.


Trong vòng 10 ngày thì đã “set up” mọi thứ xong và Linh chính thức thông báo về đứa con tinh thần bao năm ấp ủ ra đời: Vanilla Cake Store.


  • Những ngày đầu hẳn là rất khó khăn, Linh cũng là tiệm mới, Linh đã bước qua những ngày ấy như thế nào?

Những ngày đầu là những ngày Linh học được nhiều nhất, Linh không mở tiệm bán trực tiếp mà đi theo hướng bán online, bánh đặt mới làm. Ngày chỉ cần 5 đơn thôi là vui lắm. Cứ có đơn là tự chạy đi giao vì hồi đó chưa có tiền thuê shipper, lại sợ họ không cẩn thận làm hư bánh nên Linh tự đi giao, hoặc xa quá, bánh lớn thì 2 chị em Linh đóng cửa đi giao cho khách.


Có đợt, giao tới nơi bánh chảy kem hết mà khách la quá trời la, phải gọi điện về tiệm làm lại, cấp đông một lúc cho kem cứng hơn rồi Linh chạy đi giao lại. Hồi đó bị la là khủng hoảng thực sự, sợ nữa, nhiều lúc nghĩ mình có nên tiếp tục không chứ nhiều cái khó khăn mà mình không thể lường trước được.


Nhưng té ở đâu thì đứng lên ở đó rồi rút kinh nghiệm thôi. Mình vẫn tập trung vào chất lượng bánh và dịch vụ. Nói chung là chiều khách dữ lắm. Có những lúc khách 10h đêm nhắn tin hỏi có bánh lúc 12h để chúc mừng sinh nhật không là Linh nhận luôn.


Sau này có thêm nhân viên và shipper riêng rồi thì mình đỡ hơn, nhưng cần là Linh vẫn chạy. Vì cái điểm giao bánh cho khách cực kỳ quan trọng, bánh bị móp, bị lem, bị chảy cũng ở khâu giao hàng.



Ở đây có rất nhiều ngọt ngào, những chiếc bánh với nhiều phong cách khác nhau


  • Có vẻ đặc thù của tiệm bánh kem thì shipper lại khá quan trọng nhỉ? Linh có thể chia sẻ thêm được không?

Người mà mọi người tưởng không quan trọng lại là mắc xích quyết định rất nhiều thứ đó là shipper, Linh nghĩ vậy. Mỗi cái bánh trước khi giao đến khách Linh đều chụp hình trước gửi cho khách, khách ưng ý thì mình mới bắt đầu cho giao, khi bánh giao thì cần chụp hình ngay tại đó rồi shipper mới được phép rời đi.


Có lần khách gọi điện la tiệm vì để bánh bị lem một góc, may rằng là quy trình giao bánh mình đã luôn có rõ ràng từ đầu nên khi shipper gửi ảnh qua thì mới phát hiện ra là do chồng của khách nhận bánh nhưng làm cấn cửa khiến bánh bị xô qua làm lem. Mình cũng xử lý nhẹ nhàng thôi rồi gọi shipper mang bánh về lại, sửa miễn phí cho khách. Nhờ vậy mà khách cũng có thiện cảm, quay lại mua rất nhiều lần.


Đó là chưa kể đến những ngày nhiều đơn như lễ thì mình phải làm sao sắp xếp để các bạn có thể chạy đi giao kịp giờ. Vì khách đặt bánh kem không phải muốn giao khi nào cũng được, họ thường muốn giao theo giờ, để lâu thì bánh chảy kem, mà tính toán sát quá mấy bạn chạy không kịp có thể dẫn đến hư bánh do vội.


  • Những ngày lễ có vẻ là những ngày bận rộn nhất trong năm nhỉ? Kỷ lục Linh có khoảng bao nhiêu đơn trong một ngày lễ và làm thế nào để Linh quản lý được hết?

Thường một ngày của Linh khoảng 15-30 đơn, nhưng lễ sẽ gấp đôi hoặc gấp ba, đỉnh điểm nhất là vào đợt 8/3/2023 vừa rồi, tiệm Linh đạt kỉ lục 160 đơn chạm mốc doanh thu hơn 60 triệu đồng.


Lúc đó, Linh đã phải làm việc liên tục nhiều ngày không ngủ, nhân viên có thể về chứ mình thì không dừng được, vì mình không chỉ sắp xếp về lượng bánh cần nướng, nguyên liệu đầu vào, thời gian để giao hàng hợp lý, chia và sắp xếp nhân lực theo từng ví trí phù hợp, mà còn phải tư vấn trực tiếp với khách cùng bạn quản lý bán hàng.


Bình thường mình hay hướng dẫn và yêu cầu nhân viên trong 10-15 phút đã phải trang trí xong một cái bánh. Mình không quá khắt khe trong công việc nhưng mình luôn cần mọi thứ phải chỉn chu, muốn vậy mình luôn hướng dẫn các bé làm sao để có thể tự sức sáng tạo theo ý của mình, như cùng một kiểu trang trí thì bánh size 16 sẽ khác size 28 như thế nào, hay lượng bánh cần nướng mỗi ngày cần phải đảm bảo ra sao, nói chuyện với khách tư vấn cần chú ý gì… Đồng thời luôn nhắc các bạn sau này có thể không đồng hành cùng chị thì vẫn cần học để có thể tự mở tiệm riêng.


Nhờ như vậy mà đến khi đơn tăng đột biến các bạn vẫn có thể bắt nhịp dễ dàng, làm việc thấy mệt nhưng vui chứ không phải căng thẳng. Linh luôn nghĩ nghề bánh có liên quan đến sáng tạo, mà lúc nào cũng căng thẳng thì sao làm việc được.


Linh và các bạn nhân viên
Linh và các bạn nhân viên
  • Từ một tiệm bánh online nhỏ trong chợ ở Gò Vấp, đến một mặt bằng lớn hơn ở Tân Bình với nhiều khu vực bếp bánh khác nhau, Linh đã phát triển như thế nào, nhất là khi vừa trải qua đại dịch?

Có một điều kỳ lạ mà chính Linh cũng không hiểu vì sao mình có thể làm được như vậy, sau 4 tháng mất doanh thu vì dịch Linh suy nghĩ rất nhiều, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì thay vì làm nhỏ lại Linh lại quyết định đầu tư thuê nhà lớn hơn để ở, đồng thời phát triển dòng bánh mới là bánh lạnh.


Chắc có lẽ là nhờ đợt thắng lớn sau dịch, vì hiểu được khách hàng sẽ muốn được đi ra ngoài, muốn ăn mừng sau chuỗi ngày trong nhà lại sắp đến dịp 20/10 nên Linh chớp thời cơ. Mình dù đang nằm ổ sau khi sinh em bé một thời gian nhưng cũng bắt đầu huy động bạn bè, gọi nhân viên chuẩn bị mọi thứ, khi vừa xuống thành phố là tụi mình lao vào nhận đơn, nhờ mẹ lo vòng ngoài, Linh và các bạn nhân viên làm việc cật lực để có thể làm bánh nhanh và giao nhanh nhất có thể.


Linh lên kế hoạch từ A-Z để các bạn có thể ăn uống ngủ nghỉ luân phiên nhau, phải thoải mái tinh thần thì mới có thể tập trung cao độ được. Mình cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho các bạn làm việc.


  • Mình luôn theo dõi tiệm bánh của Linh từ những ngày đầu và thấy rằng bánh của Linh rất hợp xu hướng, đặc biệt là những đợt bánh làm quà vào dịp lễ, Linh có nghĩ đón kịp xu hướng là thứ giúp Linh khác biệt với hàng trăm hàng ngàn tiệm bánh ngoài kia?

Linh không biết có đúng không, nhưng thường thì Linh luôn suy nghĩ và đón xu hướng từ rất sớm, đến khi mình hoàn thiện ý tưởng lên bánh để tung ra trong các dịp đặc biệt thì mình thường sẽ là một trong những tiệm có sản phẩm đó đầu tiên.


Ví dụ trong giai đoạn mới mở tiệm thì phong trào bánh kem sinh nhật trang trí bằng phụ kiện lên ngôi, mình nhanh tay tạo hình nhiều mẫu nhiều màu nên khách hàng rất thích để đặt mua cho con cháu của họ, lượng bánh đặt sinh nhật cho các em bé chiếm đến 70% trên tổng đơn. Nhưng khi đợt này đi qua thì mình nhập ít phụ kiện lại và nghiên cứu tiếp, cứ vậy mình qua rất nhiều từ bento đến bánh và hoa…


Nhưng quan trọng nhất có lẽ vẫn là chất lượng bánh, Linh luôn giải thích với khách rằng nguyên liệu đều là loại 1, vì để giảm giá thành thì nhiều tiệm bánh sẽ sử dụng nhiều loại phụ gia thay thế, nhưng mình thì không. Một cái bánh kem bắp bình thường có giá 200.000 đến 250.000 nhưng tiệm của Linh giá lúc nào cũng ở 400.000 đến 450.000, khách ăn một lần sẽ hiểu cảm giác như thế nào là “tan trong miệng”, quan trọng là mình luôn thuyết phục khách lần đầu đặt thử một lần, khi thích thì họ sẽ quay lại, trộm vía là tỷ lệ quay lại của khách bên Linh luôn đạt từ 40-50%.


Chăm chút cho từng góc nhỏ, một góc kỉ niệm 4 năm tuổi nhà Vanilla
Chăm chút cho từng góc nhỏ, một góc kỉ niệm 4 năm tuổi nhà Vanilla

Thêm vào đó nữa là dịch vụ và trải nghiệm khách hàng, mình luôn tư vấn thật nhất về độ khó những cái bánh khách yêu cầu để khách hiểu chỉ có thể làm giống đến bao nhiêu phần trăm thôi. Ngoài ra, mình luôn chụp ảnh gửi khách trước khi giao, hoặc xảy ra sự cố mà không phải lỗi do tiệm thì mình vẫn nhiệt tình sửa giúp khách.


Nhớ có lần, bạn của Linh đặt bánh, 6h tối mở tiệc thì 5h45 lúc lấy bánh ra khỏi hộp bị va quẹt, bạn ấy gọi cho mình hỏi có kịp làm ổ mới đem qua không thì mình vẫn nhận ngay. Sau khi trang trí ổ mới, may mắn chỗ tổ chức tiệc gần tiệm nên mình chủ động đi giao luôn thay vì là nhân viên vì mình rành đường, đúng giờ tiệc mở thì bánh cũng kịp tới.


Và quan trọng nhất là bánh bên Linh dù đặt gấp Linh cũng không bao giờ thu phụ phí, tốc độ là ưu thế của Vanilla. Khách cần có sớm cũng không bao giờ phải suy nghĩ về bất kỳ khoản phí nào bị thu thêm và dù gấp, chất lượng bánh vẫn không hề đổi.


  • Có kỉ niệm hay dự án đáng nhớ nào mà Linh từng làm không?

Kỉ niệm thì nhiều lắm, cứ sai rồi sửa và cải thiện tốt hơn thôi. Hồi mới bắt đầu được một thời gian, Linh nghĩ là nhờ phong cách làm bánh của mình lọt vào mắt xanh một chị quản lý của ca sĩ Isaac nên chị ấy có liên hệ đặt bánh bên Linh. Yêu cầu này khó hơn so với các yêu cầu trước đó Linh từng làm, vì là bánh tầng nên khá cao, lại còn là màu vàng phải đúng với tone màu của nghệ sĩ đó.


Lúc đó Linh nghĩ không thể đợi đến lúc giao bánh mới gửi hình sau khi trang trí xong được nên Linh đã chủ động thiết kế bánh trước, anh của Linh lên mô hình 3D sau đó mình sẽ gửi hình qua cho khách coi trước vài ngày. Chị ấy đồng ý mình mới bắt đầu tính toán và sản xuất. Đúng ngày hẹn, vì bánh cao không thể ship xa bằng xe, mình và chị gái đến tận nơi để ráp tầng theo như mô hình đã gửi trước đó. Mọi thứ diễn ra thuận trơn tru mà mình cũng chủ động hơn.


Chắc một phần nhờ vậy mà Vanilla được nhiều người biết tới hơn, các loại bánh được đặt cho các nghệ sĩ tiếp theo như Ninh Dương Ngọc Lan hay như bé Winnie nhà Đông Nhi… có lẽ do mọi người thấy logo Vanilla hoặc được truyền miệng, mình cũng không chắc nữa, nhưng dự án kia chính là dự án tâm huyết mà thời gian đầu Linh có được uy tín cho mình.



Những sự kiện đáng nhớ của Vanilla Cake Store thời gian đầu mới phát triển


  • Vanilla đã phát triển thương hiệu ra thêm 2 chi nhánh là ở Biên Hòa và Củ Chi, Linh có dự định mở thêm nữa không?

Thật ra để xây dựng một thương hiệu có uy tín và được nhiều người biết đến đến ngày hôm nay không hề dễ, nên việc mở chi nhánh Linh phải cân nhắc rất nhiều. Hai chi nhánh kia cũng vậy, mình chủ yếu là người đầu tư và cung cấp nguyên liệu cũng như công thức làm bánh, còn quản lý chính lại là chị gái thứ 2 của Linh (Biên Hòa) và học trò cũ (Củ Chi), những người mà mình luôn tin tưởng.


Nên Linh vẫn chưa có ý định mở thêm, làm nhượng quyền cũng không dễ. Thay vào đó, Linh tập trung phát triển dòng bánh mới, theo xu hướng, sáng tạo nhiều hơn cho khách hàng có nhiều lựa chọn. Ngoài ra, mình cũng muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình nhỏ.


  • Một câu chuyện rất dài, suốt chặng đường Linh đi qua, con số nào để lại ấn tượng cho Linh nhiều nhất?

160 chính là số đơn kỷ lục tiệm nhận được trong một ngày mà Linh đã kể trước đó, thật ra con số ấy là con số phát triển từ 20 - 60 - 70 - 120 đơn/ngày (trong dịp lễ) và nó là con số gần nhất Linh có được.


36 giờ là thời gian Linh không ngủ mà làm việc liên tục để hoàn thành và điều phối 160 đơn kia cùng với nhân viên. Dù rất mệt nhưng mình đã rất vui vì đợt đó khá thành công.


  • Cảm ơn Linh vì những chia sẻ rất thật trong nghề đến với các bạn Maker đặc biệt là Cake Maker, hy vọng các bạn sẽ biết thêm được nhiều điều từ câu chuyện của Linh.


Một trong những chiếc bánh gây thương nhớ của Vanilla Cake Store
Một trong những chiếc bánh gây thương nhớ của Vanilla Cake Store

Hành trình nào cũng bắt đầu từ những bước chân, Linh đã phát triển và đưa thương hiệu Vanilla Cake Store được như ngày nay đều nhờ những nỗ lực không ngừng từ những việc nhỏ nhất. Mình tin rằng con số của Linh sẽ không dừng ở 160 mà còn sẽ tăng trong tương lai với tinh thần cải tiến không ngừng mà Linh đang có. Câu chuyện còn xoay quanh cả khi Linh đã làm chủ và có cho mình gần 10 nhân viên tính đến thời điểm hiện tại, nhưng mình sẽ kể thêm cho bạn sau trong những bài viết về Business of Maker sắp tới. Đừng bỏ lỡ nhé.


Bạn có thể tìm hiệu thương hiệu Vanilla Cake Store của Linh tại:


Fanpage: Vanilla Cake Store (chi nhánh Hồ Chí Minh)


Chi nhánh 1: 1428/5 Trường Sa, Phường 3, Tân Bình, Hồ Chí Minh

Chi nhánh 2: Nguyễn Phúc Chu, Trảng Dài, Biên Hoà, Đồng Nai

Chi nhánh 3: 23 Phạm Thị Hối, Khu phố 7, Củ Chi, Hồ Chí Minh.


(Ảnh do nhân vật cung cấp và trên fanpage của Vanilla Cake Store)

Hoàng Nhi

Business of Maker

Kommentare

Mit 0 von 5 Sternen bewertet.
Noch keine Ratings

Rating hinzufügen
bottom of page