Ngày trước, khi quyết định may áo dài Tết cho em bé, mình và chị mình chọn may đo theo yêu cầu, đây cũng vốn là thế mạnh của chị mình vì trước giờ chị may cho người lớn đều là may đo, không phải may theo size.
Nhưng vấn đề bắt đầu từ đây, sau đợt bán đó mình và chị ngồi tính toán lại việc may đồ cho em bé không nên đo theo yêu cầu hay mô tả cân nặng, chiều cao bé của khách nữa. Mình sẽ chia sẻ một chút kinh nghiệm làm tag size trong ngách may đồ cho bé này nhé.
1. Có một hệ size chuẩn cho thương hiệu đồ của bạn:
Ngày nay, kích thước (size) theo quốc tế hay size Việt Nam dành cho đồ trẻ con đều không đồng nhất, đứng ở góc độ khách hàng họ sẽ không biết nên mua cho con size 1 hay size 2, size S hay size M mà là cân nặng hoặc chiều cao, thậm chí không nên dùng số tháng hay số tuổi để làm size cho quần áo, vì có em bé lớn và em bé nhỏ hơn dù cùng một tháng tuổi, hoặc có bé 1 tuổi nhưng đã 12kg trong khi có bé 3 tuổi lại chỉ 11kg.
Đứng ở góc độ người bán hàng, bạn dễ dàng tư vấn hơn cho khách, khi khách mua theo số kg hoặc chiều cao thì khách cũng ít hỏi hơn, giảm tải việc trả lời bé nhà chị 1 tuổi như 12kg rồi, mặc size 1 tuổi liệu có vừa?
Ví dụ: Với sản phẩm áo dài em bé, bạn lên thiết kế rập cho size từ 0-3kg, 3-6kg, 6-8kg, 8-10kg, 10-12kg, 12-14kg… tương ứng với chiều cao <50cm, 60cm, 70cm, 80cm, 90cm, 100cm, 110cm…
Bạn có thể gán số cho size, ví dụ size 0 là 0-3kg, size 1 là 3-6kg… nhưng phải quy chuẩn hết cho tất cả sản phẩm trong tiệm, nghĩa là có một hệ thống size chuẩn cho thương hiệu của bạn.
2. Tạo sự thuận tiện cho khách hàng trong việc chọn size đồ:
Thay vì để khách hỏi lại một lần nữa về việc một em bé có chiều cao và cân nặng như mô tả thì nên chọn size nào, bạn có thể làm như sau trong mục mô tả sản phẩm hay mục câu hỏi thường gặp:
Nếu bé tròn người hơn so với trang lứa: khách hãy chọn size theo cân nặng, ví dụ bé nặng 12kg như chỉ mới cao 80cm thì có thể chọn size 10-12kg thay vì là theo chiều cao (vì có thể khiến bé mặc chật)
Nếu bé "roi" người, tức dài người: khách hãy chọn size theo chiều cao, ví dụ bé chỉ nặng 11kg thôi nhưng đã cao 105cm rồi thì hoàn toàn có thể chọn size theo chiều cao thay vì cân nặng (vì chọn theo cân nặng có thể khiến đồ quá ngắn so với bé).
3. Đồng nhất size rập trên tất cả sản phẩm của thương hiệu:
Có rất nhiều cửa hàng mỗi sản phẩm lại có một mẫu rập và size riêng, điều này có thể khiến nhân viên bán hàng của bạn bị nhầm lẫn trong việc tư vấn. Cùng là mua đồ cho 1 bé nhưng mẫu A size 0 này mới mặc vừa trong khi mẫu B lại là size 1. Cực kỳ rắc rối cho cả người mua lẫn nhân viên của bạn.
Điều này có nghĩa nếu một số mặt hàng bạn gia công bên ngoài tùy vào dịp hay số lượng thì bạn vẫn nên yêu cầu bên gia công theo hệ thống size của riêng thương hiệu bạn.
4. Đồ trẻ con không nhất thiết may theo yêu cầu:
Có một sự thật là khi may theo yêu cầu đồ cho con nít thì khó hơn mình tưởng vì phải may đo riêng, giá cần cao hơn, hoặc sản phẩm mang tính độc đáo, khác biệt. Trong khi trẻ con lớn nhanh, nếu đầu tư cho một bộ đồ vài trăm đến vài triệu thì bạn phải là thợ có tiếng trong giới ba mẹ chịu chi cho con. Còn không, hãy cứ bán đồ theo size, rập có sẵn, trẻ con mặc rộng tí, dài tí không sao, vẫn xinh, dễ đổi hàng.
Kinh nghiệm là tụi mình đã sửa đi sửa lại vài lần một bộ áo dài cho bé may đo, tốn khá nhiều công mà vẫn không ưng.
Tất nhiên với một số dịp đặc biệt mà ba mẹ bé đặt riêng cho con thì chuyện size không còn là vấn đề nữa nhưng bạn cần tư vấn kĩ cho khách để có sản phẩm vừa vặn và hoàn thiện nhất nhé.
Hy vọng, những chia sẻ này sẽ giúp ích cho những bạn đang muốn kinh doanh may đồ cho em bé nhé.
Hoàng Nhi
Tự học kinh doanh sản phẩm tự sản xuất, thủ công, handmade, DIY
Comentarios