Trong một lần trò chuyện với một bạn freelance writer, bạn ấy nói rằng: “Em chưa bao giờ được lên xu hướng hay viral có bài viết được nhiều lượt tiếp cận dù viết rất đều đặn”. Lúc bạn ấy nhắc tới điều này mình nghĩ tới ngay điểm bùng phát hay điểm bùng nổ trong Marketing.
(Vì mình chưa đọc quyển này The Tipping Point của Malcolm Gradwell mà xem tổng hợp thì cũng thấy hơi rắc rối nên mình sẽ nói về việc được lên xu hướng hay bùng nổ lượng khách theo cách của mình nhé).
1. Lên xu hướng thực sự rất tốt
Thật ra mình thấy việc lên xu hướng, được nhiều người biết tới vừa có lợi vừa có hại, đặc biệt là trong kinh doanh. Lợi tất nhiên là bạn được nhiều người biết tới, qua một video, một bài viết, hình ảnh… từ đó khách hàng của bạn tìm tới, nhờ vậy mà đẩy cao doanh thu hay thu hút khách hàng tiềm năng trong tương lai.
Dễ hiểu nhất là mọi người có thể thấy những tóp tóp cơ nhờ 1 video lên xu hướng và từ đó trở nên nổi tiếng. Hay gần đây nhất là bài hát trong mỳ tôm có thanh long của mỳ tôm thanh long Caty.
2. Nhưng cũng có nhiều bất cập khi bạn chưa đủ lực và sẵn sàng
Nhưng, mặt hại của nó cũng có sức công phá không hề nhỏ, nó thể hiện rõ nhất năng lực sản xuất của bạn khi có một lượng lớn đơn đặt hàng ồ ạt. Nếu bạn không thể kiểm soát các mặt về nguồn cung dẫn đến lượng hàng thiếu hụt, khách hàng nếu phải chờ đợi quá lâu sẽ tìm những phương án khác tương đương hoặc hơn.
Khâu sản xuất sẽ bị quá tải trong khi đó khâu bán hàng và chăm sóc khách hàng cũng sẽ có những lỗ hổng nếu bạn chưa chuẩn bị tinh thần cho việc được nhiều người biết đến. Và đây cũng là một điểm mấu chốt khiến trải nghiệm khách hàng trở nên tệ đi vì bạn không thể đáp ứng yêu cầu với số lượng lớn.
Đọc thêm:
Ví dụ, mình từng đi một quán cà phê gần nhà, quán này nổi lên sau vài bài review của một người trong cộng đồng chỗ mình ở. Vì lên bài liên tục, mọi người ở gần đó vào đã kéo tới trong đó có mình dù chỉ là giữa tuần.
Lúc vào quầy gọi món, tất cả các món hầu như đều không có, chỉ có cà phê và nước cam là chủ yếu, nhân viên đứng quầy không thể phân biệt được khách nào đến trước khách nào đến sau để phục vụ, lại rất hững hờ.
Chỗ ngồi thiếu và ồn ào một cách khó chịu dù concept quán đang hướng đến là một nơi chill nhiều cây. Mình phải đợi một lúc mới có đồ uống và buộc phải đi về luôn vì không còn đủ thời gian để cà phê sáng.
Những khách tới sau vì quán từ chối nhận thêm do không đủ chỗ (cái này thì hợp lý, vì thà từ chối từ đầu còn hơn phục vụ không ra gì). Nhưng do trải nghiệm không tốt nhiều cái nên mình cũng không có ý định quay lại.
Sau này đi ngang, mình thấy quán vắng tanh, mọi người có vẻ sau đợt trải nghiệm đó cũng chả còn thích thú gì nữa.
3. Vậy bài học ở đây là gì?
Đừng vội PR ồ ạt, book KOL, KOC khi bạn mới bắt đầu, công việc chưa có quy trình hay nhân viên chưa được đào tạo thành thục.
Luôn trong tinh thần nếu có lượng lớn khách hàng bạn sẽ vận hành như thế nào, điều phối nhân lực tạm thời ở đâu, hệ thống hóa mọi thứ vào quy trình ra sao. Phải như vậy thì khi đợt sóng đi qua, khách hàng vẫn có ấn tượng để quay lại với bạn.
Sẵn sàng từ chối nếu không thể phục vụ được hết nhưng với thái độ chân thành và vui vẻ, hẹn họ ở những dịp sau, nhanh nhẹn nữa thì có thể tặng voucher với những vị khách này để họ có hứng thú tới lần sau.
Dù móc len hay làm đồ da, vẽ vời hay đan lát cũng vậy nha, mình luôn chủ động tìm hiểu các đối thủ xung quanh, không phải để cạnh trạnh điên cuồng mà có thể khi khan hàng mình hoàn toàn có thể đặt hàng từ chính họ hoặc nhờ giúp đỡ, và ngược lại. (Mình từng thấy những người cùng ngách giúp đỡ nhau ở một số khâu rồi đó).
Vậy lên xu hướng hay viral có thực sự tốt không? Tốt, rất tốt, khi bạn luôn có phương án dự phòng. Còn không, từ chối để tăng chất lượng phục vụ và tạo khan hiếm cũng là một cách.
Hoàng Nhi
Tự học kinh doanh sản phẩm thủ công, handmade, DIY, tự sản xuất
Comments