Product sampling là gì? Và vì sao đây lại là một cách hiệu quả dành cho Maker không chỉ trong quảng cáo sản phẩm mà còn là trong sản xuất.
1. Product Sampling là gì?
Có một câu chuyện về cách người Hoa bán trà như thế này, một tiệm trà nổi tiếng được khách nhiều lần mua hàng, mỗi lần mua là chủ tiệm lại cho thêm một ít trà loại ngon hơn, đặc biệt hơn. Khách uống trà từ loại thường khi thử loại mới thấy thích quá sau một thời gian sử dụng lại mua qua loại xịn hơn này dù giá cao nhỉnh hơn. Vì khi đã quen với trà ngon thì họ không muốn quay về với loại thường nữa.
Ngày nay, người ta gọi hình thức này là Product Sampling (mẫu dùng thử), và chắc hẳn là mọi người sẽ thấy rất nhiều nhãn hàng làm đặc biệt là trong ngành nước hoa/xà phòng/thực phẩm… Phát triển sản phẩm dùng thử thường không khó, vì nó vốn là một phần sản xuất được tính toán dư ra để đóng gói trong những mẫu nhỏ nhằm gửi tới khách hàng khi họ đặt mua những sản phẩm khác.
Maker vốn là người sản xuất, việc tạo ra các sản phẩm dùng thử vô cùng dễ dàng mà không tốn quá nhiều chi phí, ví dụ khi sản xuất 1 mẻ nến thơm sẽ có một lượng dư được đưa vào nến tealight, khách mua mùi hoa nhài sẽ được tặng tealight mùi gỗ, hay khi khách đặt bánh mua bánh sẽ được tặng mẫu bánh cookie mới ra của tiệm… Như vậy, nếu đã có trải nghiệm tốt ở sản phẩm dùng thử họ sẽ nghĩ tới việc mua sản phẩm đó ở những lần sau. Thương hiệu vừa có cơ hội bán thêm sản phẩm khác/sản phẩm mới vừa tạo được thiện cảm cho khách hàng (vì nói gì thì nói, mọi người vẫn thích miễn phí mà).
Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp đang dùng cách này để đẩy hàng sắp hết hạn, thực ra cách này không có gì là sai khi sản phẩm vẫn trong hạn sử dụng nhưng nhiều khách hàng tinh ý sẽ cảm thấy không được tôn trọng khi sản phẩm tặng kèm/dùng thử lại chỉ còn vài ngày.
Vậy nên, hãy tách biệt rõ ràng giữa việc tặng/bán sản phẩm dùng thử (với kích thước/số lượng nhỏ) với việc thanh lý hàng tồn kho mà bạn đang có. Khi bạn thanh lý, họ hiểu đó là hàng cận ngày hết hạn và họ sẵn lòng mua nó hay không. Còn khi nhận mẫu dùng thử đó là lúc họ được sản phẩm mới (mới ra đối với thương hiệu hoặc sản phẩm loại khác đối với sản phẩm họ đang dùng), hãy tôn trọng người tiêu dùng vì họ thông minh hơn bạn nghĩ.
Đọc thêm:
Tóm lại, mục đích của Product Sampling (mẫu dùng thử) chính là:
Tạo trải nghiệm sản phẩm: là cách giúp khách hàng trải nghiệm sản phẩm trực tiếp. Điều này giúp họ hiểu rõ hơn về sản phẩm và cảm nhận được giá trị thực sự của nó.
Kích thích sự quan tâm: Bằng cách cho phép khách hàng thử sản phẩm, mẫu dùng thử có thể tạo ra sự quan tâm và tò mò. Điều này đặc biệt hữu ích khi bạn muốn giới thiệu sản phẩm mới hoặc cạnh tranh trong một thị trường đầy cạnh tranh.
Xây dựng lòng tin và thương hiệu: Sự chia sẻ miễn phí mẫu sản phẩm thường là một cách hiệu quả để xây dựng lòng tin từ phía khách hàng. Khi họ có cơ hội thử sản phẩm mà không phải mua, họ cảm thấy tự tin hơn về quyết định mua sản phẩm đó trong tương lai.
Tăng doanh số bán hàng: Khi khách hàng thử sản phẩm và yêu thích nó, họ có khả năng mua nhiều hơn.
Thu thập phản hồi: Khi cung cấp mẫu sản phẩm, bạn có cơ hội thu thập phản hồi từ khách hàng. Họ có thể cung cấp ý kiến và đánh giá, giúp bạn cải thiện sản phẩm và dịch vụ của mình.
Xây dựng mối quan hệ khách hàng: Việc cung cấp mẫu sản phẩm miễn phí có thể giúp xây dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng. Khi họ cảm thấy hài lòng với sản phẩm và dịch vụ, họ có thể trở thành khách hàng trung thành và thường xuyên.
Truyền miệng: Khách hàng có thể chia sẻ trải nghiệm của họ với sản phẩm với người khác. Điều này có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa và giúp tăng sự nhận diện thương hiệu.
2. Vậy trong ngách Maker những sản phẩm nào có thể sử dụng cách này?
Sản phẩm có thể đóng gói và sản xuất với kích thước nhỏ hơn (xà phòng, dầu gội, thực phẩm, nến thơm, mỹ phẩm…);
Sản phẩm số có thể cho dùng thử miễn phí trong một thời gian nhất định (app, khóa học…) và cần nâng cấp để có thể dùng dài lâu.
3. Và dùng cách này khi nào?
Khi bạn sản xuất dư ra nhiều hơn phần sản phẩm đã định hoặc chỉ có thể sản xuất với mẫu nhỏ hơn;
Khi bạn có nhiều loại cho một mẫu sản phẩm và muốn giới thiệu những loại còn lại;
Phát triển dòng sản phẩm mới;
Thăm dò thị trường để ra quyết định phát triển sản phẩm chủ lực.
Túm lại, ai cũng thích đồ miễn phí, nếu đã muốn tặng hàng khuyến mãi cho khách hãy quên những cục kẹo đi, vì bạn có thể tận dụng cơ hội để giới thiệu sản phẩm khác/mới của bạn bằng mẫu dùng thử hay còn gọi là product sampling.
Hoàng Nhi
Tự học kinh doanh sản phẩm tự sản xuất, thủ công, handmade, DIY
Comments