top of page

5 yếu tố có thể giúp bạn đánh giá được tiềm năng của một ngách

Cách đây ít ngày mình có đưa ra 5 ngách tiềm năng dành cho Maker trong 5 năm tới (link ở cuối bài), chị Linh Phan có hỏi mình về những cơ sở nào đánh giá được một ngách có tiềm năng. Hôm nay mình sẽ đưa ra 5 yếu tố có thể giúp bạn đánh giá được tiềm năng của một ngách hay sản phẩm bạn đang muốn làm và kinh doanh nhé.


5 yếu tố có thể giúp bạn đánh giá được tiềm năng của một ngách
Business of Maker

1. Tính khác biệt, mới mẻ:


Khác biệt hay mới mẻ ở đây không phải là cái gì hoàn toàn mới, chưa ai biết tới hoặc chưa ai làm, mà là ở cùng phương pháp, cách thức sản xuất bạn tạo ra những sản phẩm mới, có tính khác biệt, đặc biệt là muốn đuổi theo bạn thì người khác cần thời gian, thậm chí khi đuổi kịp bạn về kỹ thuật thì định vị/quy mô vẫn thua bạn.


Ví dụ như: cùng là đổ resin một số người chọn ra cách thông thường là làm móc khóa, trang sức, nhưng một số người sẽ chọn làm keycap bàn phím. Rõ ràng ngách này tiềm năng hơn vì xu hướng thay keycap bàn phím đang được yêu thích, nhưng nó không chỉ là một cái “trend” mà là xu hướng lâu dài.


Sử dụng đồ tái chế là xu hướng, sử dụng đồ dùng từ thiên nhiên là xu hướng, sử dụng sản phẩm thuần tự nhiên là xu hướng. Còn gậy chụp hình chỉ là một cái trend, con nhún gắn trên xe máy là trend, quần ống loe cũng là trend… nó sẽ qua đi nhanh chóng.


2. Đại dương xanh:


Trong Marketing hiểu nôm na, đại dương đỏ là thị trường có quá nhiều người làm, nhiều ông lớn định vị được thương hiệu. Ví dụ như thị trường trà sữa, ở đâu cũng bắt gặp những cửa hiệu trà sữa từ thương hiệu lớn như Goongcha đến nhỏ hơn như Maycha, Tocha, Bà Cha… để chen chúc trong thị trường trà sữa không dễ.


Còn thị trường xanh là thị trường còn ít người làm, hoặc chưa ai định vị thương hiệu trong tâm trí người dùng (ví dụ về định vị thương hiệu thì bạn cứ nghĩ tới Honda, nhắc tới xe máy là người ta nghĩ tới Honda), nếu thị trường rộng lớn chưa ai làm hoặc làm chưa tới thì đây là ngách đáng để bạn cân nhắc.


Ví dụ: thiết kế sản phẩm số như đồ vật, nội thất trong game bằng công nghệ thực tế ảo. Ngách này phát triển từ cách đây vài năm nhưng ít người làm hoặc biết đến. Bạn hoàn toàn có cơ hội học, hoàn thiện và “bơi” trong đại dương này.


3. Tính bền vững và biến đổi linh hoạt:


Tính bền vững nghĩa là như đã nói ở trên, nó cần “vượt trend” để sản xuất lâu dài, vì để theo được trend bạn cần nhanh nhạy, mau lẹ, trend qua bạn phải nghĩ ra cái thứ khác để làm, thậm chí là bỏ hẳn thứ đang làm. Ví dụ trend bánh mỳ muối ớt, nếu giờ bạn còn “đu” chắc không dễ gì bán được, nhưng bánh tráng trộn thì “mãi keo”.


Biến đổi linh hoạt là từ cùng một kỹ thuật, nguyên liệu, lúc có trend bạn vẫn có thể bắt kịp như một sản phẩm phụ, khi nó qua đi thì bạn vẫn có thể kinh doanh sản phẩm chính mà không lo phải thay đổi.


Ví dụ như: Bạn bán nơ công chúa cho các nàng “bánh bèo” thích chụp hình sau lưng, bỗng trend kẹp tóc Jisoo nổi lên, bạn vẫn có thể sản xuất ngay từ nguyên liệu sẵn có đang có. Hoặc bạn là chủ một local band dành cho áo thun custom, Black Pink về Việt Nam, bạn dễ dàng sản xuất dựa vào mẫu áo thun sẵn có, chỉ cần thay đổi về cách thiết kế và màu sắc.


Business of Maker
5 yếu tố có thể giúp bạn đánh giá được tiềm năng của một ngách

4. Có khả năng nâng cấp:


Một ngách lúc nào cũng sẽ có những giai đoạn lên và xuống, nhưng bạn phải xác định được sản phẩm trong ngách đó có thể phát triển nâng cấp đi lên được không? Nó có kiếm ra tiền được không?


Bạn thích vẽ tranh màu nước, nhưng chỉ ngồi vẽ những bức khổ A6 và bán với giá 20k một tấm mình nghĩ rất khó, tranh màu nước có thể nâng cấp ở mức độ bạn vẽ bằng phần mềm (có brush màu nước), bán dưới dạng sản phẩm số hoặc nhận vẽ cho các nhà xuất bản sách trong và ngoài nước… Nâng cấp ở đây có nhiều khía cạnh như:


- Nâng cấp về số lượng, bạn có thể nâng cấp số lượng khi có yêu cầu hay hợp đồng lớn hay không? - Nâng cấp về chất lượng/tính khác biệt/ mới mẻ như cùng là scrunchies bạn có thể nâng cấp thành scrunchies chống gãy rụng tóc nhờ loại lụa đặc biệt. - Nâng cấp về tính cá nhân hóa: Một maker nên cân nhắc đến việc khả năng cá nhân hóa trong mỗi sản phẩm của mình, chỉ việc làm theo yêu cầu của khách đã biến một sản phẩm của bạn thành sản phẩm khác biệt dành riêng cho người đó rồi.


5. Bạn yêu thích nó:


Nghe có vẻ không liên quan nhưng chọn ngách bạn cũng cần chọn thứ mình thích, bạn thích nấu nướng bán đồ ăn mà thấy ngách làm trang sức bằng gỗ đang được đón nhận, bạn quyết định chạy qua làm thì về lâu về dài mình nghĩ bạn sẽ không còn hứng thú nữa nhất là khi thị trường có lúc đi xuống.


Yêu thích ngách của mình không phải chỉ là để bán được hàng mà bạn còn thỏa mãn cái sở thích được làm ra sản phẩm mỗi ngày, nó cũng giúp bạn phát triển càng ngày càng giỏi lên. Như cách bạn chế tác đồ trang sức bằng bạc rồi từ từ nó càng tinh xảo hơn, cao cấp hơn… Bạn càng giỏi thì sản phẩm tạo ra càng giá trị.


Cuối cùng, tiềm năng hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, nó là sự kết hợp giữa thị trường, ngách của bản thân, nguồn lực hiện có… Và như mình vẫn luôn nói, bạn phải bắt đầu trước đã, phải thử, sai và làm lại, cho bản thân thời gian để kiên trì theo đuổi. Thay đổi thích ứng sẽ tạo ra bản sắc cho riêng bạn.


Hoàng Nhi

Tự học kinh doanh sản phẩm tự sản xuất, thủ công, handmade, DIY


Comentarios

Obtuvo 0 de 5 estrellas.
Aún no hay calificaciones

Agrega una calificación
bottom of page